Sử dụng men vi sinh nuôi tôm được đánh giá là phương pháp kiểm soát miễn dịch hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của tôm, nâng cao khả năng thích nghi với môi trường. Để sử dụng men vi sinh đạt hiệu quả, bà con cần nắm rõ đặc điểm cũng như các nguyên tắc khi sử dụng chúng.
Men vi sinh là gì? Có những chủng loại nào?
Men vi sinh (probiotics) là một loại lợi khuẩn thuộc nhóm các vi khuẩn sống và là những vi sinh vật sống, tương tự các vi sinh vật có lợi tự nhiên được tìm thấy trong đường ruột. Trong nuôi trồng thủy sản, men vi sinh được xem là nguồn bổ trợ vi sinh vật sống có lợi cho động vật chủ với khả năng thay đổi cộng đồng vi sinh vật liên quan đến vật chủ hoặc môi trường xung quanh, dẫn đến việc sử dụng thức ăn hiệu quả hơn, nâng cao giá trị dinh dưỡng. Đồng thời, cải thiện phản ứng miễn dịch và góp phần tạo chất lượng nước tốt hơn.
Thành phần chính của men vi sinh bao gồm các lợi khuẩn như Nitrobacter, Lactobacillus, Nitrosomonas, Bacillus,… cùng các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động sống của chúng như muối magie, muối canxi, đường đơn,…
Men vi sinh tồn tại ở hai hình thức là dạng nước và dạng bột.
Tại sao nên sử dụng men vi sinh nuôi tôm?
Các chế phẩm sinh học ngày càng được sử dụng nhiều trong nuôi tôm bởi những hiệu quả vượt trội mà chúng mang lại. Như đã trình bày ở trên, men vi sinh gồm hai chủng lại, đó là loại để xử lý môi trường nước và loại để trộn vào thức ăn.
Chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước đem lại hiệu quả trong việc kích thích sự phát triển của các vi sinh vật có lợi, đồng thời khống chế khả năng phát triển của các vi sinh vật gây hại trong ao nuôi. Ngoài ra, nhờ chế phẩm sinh học, các chất hữu cơ như thức ăn thừa, xác tảo, cặn bã trong nước được chuyển hóa thành các chất vô cơ không gây hại cho tôm. Các chất độc như NH3, NO2- cũng được chuyển thành các chất không độc như , NO3- …, giúp cải thiện và ổn định môi trường nước.
Mặt khác, chế phẩm sinh học trộn vào thức ăn có tác dụng cân bằng vi khuẩn trong đường ruột của tôm, kích thích lợi khuẩn phát triển và cạnh tranh để làm giảm vi khuẩn gây hại. Men vi sinh còn tham gia vào quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn để cung cấp năng lượng cho tôm. Các chất kháng sinh hay enzyme,… được tiết ra cũng góp phần ngăn chặn mầm bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm. Hơn nữa, trộn men vi sinh vào thức ăn kích thích quá trình bắt mồi và chuyển hóa thức ăn của tôm, từ đó tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.
Những nguyên tắc cần biết khi sử dụng chế phẩm sinh học
Men vi sinh được sử dụng hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủng men lựa chọn, tần suất, liều lượng sử dụng, thời gian áp dụng và hình thức bổ sung. Để sử dụng men vi sinh đạt hiệu quả cao nhất, người nuôi tôm cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Không dùng chế phẩm vi sinh cùng lúc với các loại kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn
- Sử dụng vi sinh theo đúng liều lượng được hướng dẫn
- Đối với chế phẩm vi sinh dạng bột, cần hòa tan với nước ao nuôi để sử dụng, có thể bổ sung thêm mật rỉ đường. Trước khi sử dụng, cần sục khí mạnh 2 – 4 tiếng để gia tăng sinh khối vi khuẩn
- Thời gian tốt nhất để xử lý vi sinh vào khoảng 8 – 10h sáng, lúc nắng ấm, trời trong, nồng độ oxy hòa tan trong nước cao.
- Thực hiện xử lý vi sinh định kỳ để duy trì mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của chế phẩm sinh học
Các yếu tố môi trường nước
- Ao nuôi phải đảm bảo lượng oxy hòa tan đầy đủ để vi khuẩn hiếu khí (Bacillus) và vi khuẩn hiếu khí nghiêm ngặt (VK nitrat) hoạt động hiệu quả
- Duy trì độ kiềm ao nuôi từ 80-150 mg/l CaCO3 nhằm ổn định độ pH. Nếu độ kiềm ≤ 50mg/l CaCO3 sẽ làm độ pH dao động và việc sử dụng vi sinh sẽ kém hiệu quả.
- Độ mặn trong ao nuôi cao có thể gây chết hoặc ức chế sinh trưởng của vi sinh.
Tần suất và thời gian sử dụng
Nên sử dụng vi sinh ngay từ đầu vụ để mang lại hiệu quả tốt nhất, cách 7 – 10 ngày sử dụng 1 lần. Nếu sử dụng vi sinh trong thời gian từ giữa vụ đến cuối vụ, cách 3 – 4 ngày sử dụng 1 lần, tuy nhiên hiệu quả sử dụng sẽ thấp hơn so với sử dụng vi sinh ngay từ đầu vụ.
Liều lượng sử dụng
Sử dụng men vi sinh theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến tôm. Còn sử dụng quá ít sẽ không đem lại hiệu quả tốt.
Nuôi cấy tăng sinh khối vi khuẩn
Nhu cầu nuôi cấy tăng sinh khối vi khuẩn của các loại chế phẩm vi sinh sẽ không giống nhau.
- Những loại chế phẩm vi sinh có mật độ vi khuẩn cao có thể sử dụng trực tiếp vào ao nuôi mà không cần nuôi cấy tăng sinh khối. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cần hòa vào nước và sục khí mạnh vài giờ trước khi tạt vào ao nuôi.
- Một số chế phẩm vi sinh cần phải được nuôi cấy yếm khí để tăng sinh khối vi khuẩn trước khi sử dụng
Tóm lại, sử dụng men vi sinh nuôi tôm đem lại nhiều hiệu quả trong xử lý ao nuôi và tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Trong quá trình sử dụng, bà con nuôi tôm cần chú ý thực hiện đúng các nguyên tắc nhằm đạt hiệu quả tối ưu. Đồng thời, cần bảo quản chế phẩm sinh học thật tốt, tránh ánh nắng trực tiếp để không làm chết các vi sinh vật có lợi.
